Chủ trì Hội thảo – Tập huấn, ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non và bà Lesley Miller - Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam.
Cùng tham gia có các cán bộ, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Cămpuchia; chuyên gia giáo dục Văn phòng UNICEF quốc gia Cămpuchia; chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một số cơ quan thuộc Bộ GDĐT; trên 40 lãnh đạo và giảng viên đến từ Khoa Giáo dục, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Đặc biệt của các trường Cao đẳng, Đại học tại Hà Nội, Thái Nguyên, Điện Biên, Kon Tum, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia HN, Học viện Quản lý GD, ĐH Y tế Công cộng và cán bộ đại diện phòng Giáo dục Mầm non (GDMN), sở GD&ĐT Điện Biên, Đà Nẵng, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Với quan điểm chăm lo phát triển GDMN là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, của mỗi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước, Chính phủ Việt nam luôn coi trọng phát triển giáo dục mầm non và coi đây là chính sách nhất quán.
Để nâng cao chất lượng GDMN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, GDMN Việt Nam đang từng bước chuyển mình vững chắc cùng với xu thế đổi mới trong GDMN các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Từ nhận thức rằng phát triển trẻ thơ toàn diện là nhiệm vụ quan trọng đặt nền móng vững chắc cho một mẫu hình công dân toàn cầu trong tương lai mà trong đó phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất và đầy thử thách trong những năm tháng đầu đời của trẻ để xây dựng một nền tảng học tập suốt đời, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và xã hội hòa bình.
Hội thảo đã đặt ra các mục tiêu cơ bản:
Cập nhật những vấn đề đổi mới chương trình GDMN hiện nay, tăng cường công tác triển khai thực hiện chương trình và đánh giá kết quả phát triển của trẻ, định hướng xây dựng Chương trình GDMN sau năm 2020.
Bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về GD phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non nhằm thúc đẩy gắn kết xã hội và xây dựng hòa bình trong cộng đồng.
Cung cấp Bộ công cụ mới đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia GDMN, bộ công cụ này có thể sử dụng để cập nhật việc xây dựng/thực hiện các chính sách phát triển trẻ thơ của quốc gia.
Tại Hội thảo, nhiều nội dung quan trọng về giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội được đề cập triển khai: Khoa học thần kinh, Phát triển trẻ thơ và Phát triển tình cảm-kỹ năng xã hội; Hướng dẫn khu vực về Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội nhằm thúc đẩy gắn kết xã hội (đối với trẻ 3-5 tuổi); Dự thảo Chiến lược quốc gia về Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; Bộ công cụ Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội với 10 năng lực; Hướng dẫn đánh giá toàn cầu Chương trình giáo dục và chăm sóc trẻ thơ” (GGA).
Cũng tại đây, các đại biểu đã được chuyên gia đến từ Đại học Hồng Kong tập huấn về “Thang đánh giá Phát triển trẻ thơ khu vực Đông Á – Thái Bình Dương” và Hướng dẫn sử dụng đánh giá khu vực. Các đại biểu tham dự hội thảo tập huấn đã cùng nhau tích cực trao đổi, chia sẻ, thảo luận về cách triển khai sử dụng Thang đánh giá này tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.Với sự hợp tác tích cực giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức Unicef, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và sự tham gia tích cực của các học viên, đợt tập huấn đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả hữu ích.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non đã đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo, tập huấn: Nghiên cứu chuyển tải, bổ sung vào thực tiễn những kiến thức, kỹ năng mới về PTTCXH; Bộ công cụ giám sát đánh giá chương trình (GGA) vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, vào giảng dạy đào tạo trong các trường sư phạm sao cho phù hợp với bối cảnh văn hóa - kinh tế -xã hội của Việt Nam. Điều chỉnh, thích ứng Thang đánh giá PTTT toàn diện của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương phù hợp với Việt Nam để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá thực trạng triển khai các chính sách, dịch vụ và chương trình phát triển trẻ thơ tại Việt Nam đề xuất xây dựng, cải thiện chính sách phù hợp với thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo…
Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất với Unicef khu vực tiếp tục hỗ trợ Việt Nam: (1) Điều chỉnh, thích ứng 02 bộ công cụ của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương để triển khai thực hiện tại Việt Nam; (2) Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cốt cán Việt Nam về thu thập, xử lý số liệu, phân tích, đánh giá kết quả phát triển trẻ thơ toàn diện của Việt Nam, từ đó hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo; (3) Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ trong việc giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non.